Trước hết, hãy nói qua về công dụng của các điều kiện Incoterms. Incoterms gồm nhiều điều kiện cụ thể, được thiết kế cho những trường hợp phổ biến nhất trong giao nhận hàng hóa quốc tế như là EXW với việc người mua có thể tới tận khi của người bán để lấy hàng, hoặc là FOB khi người mua sẽ thuê tàu đến nước người bán để người bán giao hàng lên tàu. Tất cả các điều kiện của Incoterms đều chia làm các nghĩa vụ nhỏ, giải thích các điều khoản trong việc vận chuyển, bằng cách liệt kê chính xác ai có nghĩa vụ kiểm soát và / hoặc bảo đảm sự an toàn của hàng hóa tại một điểm cụ thể trong quy trình vận chuyển. Bên cạnh đó, các điều kiện sẽ liệt kê rõ ràng các nghĩa vụ của việc thông quan hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu,các yêu cầu đối với việc đóng gói các mặt hàng. Ngoài ra, nếu các bên cảm thấy muốn sử dụng một term nào đó khi vận chuyển, nhưng lại có những điểm muốn thay đổi, người ta hoàn toàn có thể chú thích thêm ở trong hợp đồng để phù hợp nhất với mong muốn của mình.
Hãy lấy một ví dụ đơn giản là Tiếng Anh, đây là ngôn ngữ quốc tế, thông qua nó sẽ giúp những người ở các quốc gia khác nhau có thể trao đổi thông tin với nhau một cách dễ dàng và đầy đủ. Incoterms cũng thế, khi tất cả các nước sử dụng chung một bộ tập quán quốc tế thì việc đàm phán sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ cần nói về 1 term nào đó, cả 2 bên sẽ hiểu nghĩa vụ, rủi ro phải chịu và chi phí phải trả của mình. Thử tưởng tượng một người mua ở Pháp và một người bán ở Việt Nam, nếu không có Incoterms thì khi đàm phán về việc giao hàng, các bên sẽ phải liệt kê hết tất cả những nghĩa vụ và trao đổi với nhau, bỏ qua bất đồng về ngôn ngữ và giả sử cả 2 đều rất giỏi tiếng Anh, thì việc này sẽ mất rất nhiều thời gian còn chưa kể tới việc có thể quên một vài điểm và khiến cho nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ rất rắc rối để xử lý.
Ta có thể thấy rằng Incoterms thực sự có một vai trò rất quan trọng trong buôn bán hàng hóa quốc tế, được sử dụng và công nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.